Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 24-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chưa bảo đảm tính khoa học
Tại phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết quy định cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn có tác động trực tiếp đến nhiều đối tượng khi tham gia giao thông.
Theo ĐB Huỳnh Thị Phúc, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn chưa phù hợp với các quy định về y tế cũng như chưa bảo đảm tính khoa học. “Theo các chuyên gia y tế cũng như thực tế, có những người trong thời gian lái xe hay tại một thời điểm không sử dụng bia rượu hoặc chất có nồng độ cồn, nhưng do cơ thể sinh học hay trong quá trình chuyển hóa thức ăn, hơi thở có nồng độ cồn vượt trên mức số 0” – bà Phúc nói. Từ đó, ĐB này đề nghị cơ quan soạn thảo cần có sự phối hợp với các cơ quan chuyên ngành như Bộ Y tế, các chuyên gia nghiên cứu kỹ nội dung này, để khi luật ban hành nhận được sự ủng hộ lớn hơn, việc thực thi cũng hiệu quả hơn.
ĐB Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) cũng đề nghị không nên quy định một cách tuyệt đối, cứng nhắc, mà nên quy định như trước đây, nghĩa là có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu, hơi thở, khi vượt qua mốc đó mới phạt. ĐB Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) nêu ý kiến: “Chúng ta đang muốn kiểm soát năng lực hành vi, rượu là tác nhân ảnh hưởng tới năng lực hành vi. Tuy nhiên, nên phân biệt năng lực hành vi với việc dùng rượu hay không dùng. Tác nhân gây ra năng lực hành vi kém không chỉ có rượu mà nhiều yếu tố khác cũng có thể tác động người lái xe” – ĐB tỉnh Trà Vinh nói.
Ngược lại, ĐB Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) ủng hộ nên quy định cấm tuyệt đối như dự thảo luật vì đây không phải là điều mới vì đã được quy định trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 và quy định này đã mang lại hiệu quả tích cực trong giảm tai nạn giao thông. Tranh luận với ĐB Thịnh, ĐB Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho rằng QH quyết định các vấn đề phải dựa trên bằng chứng khoa học, kết luận khoa học của các cơ quan có thẩm quyền, không thể quyết định dựa trên cảm tính hoặc theo dư luận.
Qua nghiên cứu toàn bộ hồ sơ dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, ĐB Lê Hoàng Anh cho rằng không có tài liệu của cơ quan có thẩm quyền khẳng định bằng chứng khoa học về nội dung này. Khẳng định bằng chứng và căn cứ khoa học sẽ là nền tảng cơ bản, chắc chắn cho những quy định đúng đắn, ĐB đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời chính thức cho QH về căn cứ khoa học, bằng chứng khoa học về quy định này.
Sẽ thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư?
Sáng cùng ngày, sau phần thảo luận của ĐBQH về dự án Luật Đường bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã có giải trình, làm rõ một số nội dung.
Trước việc có đại biểu đề nghị làm rõ về sự cần thiết bổ sung thu phí đường cao tốc ở bên cạnh phí sử dụng đường bộ đã thu qua đầu phương tiện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng thực hiện chủ trương của QH tại nghị quyết phê duyệt đầu tư các tuyến đường cao tốc, bộ đã triển khai nghiên cứu phương án thu trên các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư, đánh giá tác động trong trường hợp thu phí và không thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư. Cụ thể, các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư đều có quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc hoặc quốc lộ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh người tham gia giao thông trên đường cao tốc được hưởng nhiều lợi ích hơn do tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận tải, chi phí nhiên liệu, chi phí khấu hao phương tiện.
Trong khi đó, hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa tách bạch được đối tượng là người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc. Do đó, để bảo đảm sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, căn cứ trên nguyên tắc của người sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn phải trả chi phí cao hơn và người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến đường song hành, dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định này. “Mức thu sẽ được xác định bảo đảm phù hợp với điều kiện khai thác từng khu vực, phù hợp với chất lượng dịch vụ và bảo đảm hoàn vốn đầu tư của nhà nước để tái đầu tư cơ sở hạ tầng và bảo đảm chi phí bảo trì hằng năm” – Bộ trưởng Bộ GTVT nói.
Dẫn kinh nghiệm của các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ cũng đã áp dụng việc này, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết việc thu phí để bảo đảm cân đối lợi ích của người dân và nhà nước, nhất là trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế. “Hiện nay, thu phí qua đầu phương tiện chỉ mới đáp ứng được 35% – 40% nhu cầu bảo trì. Nếu hệ thống đường cao tốc được xây dựng, hoàn thiện đưa vào mà không thu phí, một khoản kinh phí rất khổng lồ cần dùng trong vấn đề bảo trì, chúng ta sẽ khó khăn” – Bộ trưởng cho biết.