Phụ Kiện Tinh Tế

Túi Hermès giá 10.000 USD liệu có thực sự đắt đỏ?

MCS- Khi Pierre-Alexis Dumas khẳng định túi Hermès không hề đắt đỏ, câu hỏi về giá trị thực sự của các sản phẩm xa xỉ lại được đặt ra. Liệu đây là nghệ thuật hay chỉ là chiến lược thương mại?

Thế giới thời trang xa xỉ không chỉ xoay quanh những con số khổng lồ, mà còn là câu chuyện về giá trị, sự khan hiếm và nghệ thuật thủ công. Phát ngôn của Pierre-Alexis Dumas, Giám đốc nghệ thuật Hermès, đã làm dấy lên tranh cãi về điều gì thực sự định nghĩa “xa xỉ”.

Từ một chiếc túi đến khái niệm giá trị cao
Từ một chiếc túi đến khái niệm giá trị cao.

Hermès biểu tượng thời trang Pháp với lịch sử 186 năm, luôn nằm trong nhóm thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới. Dòng túi Birkin, từ khi ra đời vào những năm 1980, đã trở thành biểu tượng của sự thành đạt và phong cách. Tuy nhiên, mức giá khởi điểm 10.000 USD, và thậm chí hàng trăm nghìn USD cho các phiên bản đặc biệt, không phải ai cũng có thể chấp nhận.

 Lời tuyên bố này nhanh chóng làm dấy lên tranh cãi về khái niệm “xa xỉ” trong thời trang.
Lời tuyên bố này nhanh chóng làm dấy lên tranh cãi về khái niệm “xa xỉ” trong thời trang.

Trong cuộc phỏng vấn với chương trình 60 Minutes, Giám đốc nghệ thuật Hermès, Pierre-Alexis Dumas, đã thẳng thắn chia sẻ: “Túi Hermès không đắt đỏ.” Theo ông, từ “đắt đỏ” chỉ dành cho những sản phẩm không đáp ứng được kỳ vọng, trong khi mức giá của Hermès phản ánh chất lượng và sự tinh xảo từ quá trình chế tác.

Nghệ thuật thủ công hay chiêu trò tiếp thị?
Nghệ thuật thủ công hay chiêu trò tiếp thị?

Điểm độc đáo làm nên giá trị của túi Hermès chính là kỹ thuật thủ công tỉ mỉ. Mỗi chiếc túi được chế tác bằng kỹ thuật khâu yên ngựa, do các nghệ nhân được đào tạo bài bản trong nhiều năm thực hiện. Không chỉ vậy, nguyên liệu hiếm và thời gian sản xuất kéo dài đã góp phần tạo nên mức giá cao.

Danh tiếng của Hermès còn gắn liền với chiến lược “sự khan hiếm”. Không phải cứ có tiền là mua được túi Hermès; nhiều khách hàng phải chờ đợi hàng năm trời để sở hữu một chiếc túi Birkin hoặc Kelly. Martin Roll, cố vấn tại McKinsey, nhận định rằng Hermès đã khéo léo sử dụng sự khan hiếm để xây dựng thương hiệu, đồng thời duy trì sức hút trong mọi hoàn cảnh kinh tế.

Trên mạng xã hội, các ý kiến trái chiều không ngừng xuất hiện.
Trên mạng xã hội, các ý kiến trái chiều không ngừng xuất hiện.

Tuy nhiên, mức giá của Hermès cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Trên mạng xã hội, có những người ủng hộ sự độc quyền và chất lượng của thương hiệu này. Họ cho rằng mỗi chiếc túi là một tác phẩm nghệ thuật, hoàn toàn xứng đáng với giá tiền.

Trái lại, một bộ phận công chúng cho rằng Hermès đang bán “địa vị xã hội” thay vì chỉ tập trung vào sản phẩm. Có người bình luận: “Chiếc túi có thể đáng giá 500 USD vì chất lượng, nhưng phần còn lại là chi phí dành cho tiếp thị.”

Những sản phẩm như túi Hermès không chỉ là vật dụng, mà còn là cách khẳng định vị thế trong xã hội.
Những sản phẩm như túi Hermès không chỉ là vật dụng, mà còn là cách khẳng định vị thế trong xã hội.

Theo nhà tâm lý học Juhi Pandey, con người thường bị thu hút bởi những thứ không thể dễ dàng sở hữu. Tính khan hiếm và độc quyền của Hermès đã kích hoạt các vùng não liên quan đến ham muốn, mang lại cảm giác thỏa mãn khi sở hữu một sản phẩm xa xỉ.

Không chỉ là món đồ, túi Hermès còn mang lại giá trị tinh thần và thể hiện địa vị. Dumas nhấn mạnh: “Chúng tôi không cố tạo ra sự khan hiếm, mà sự khan hiếm là kết quả tự nhiên từ quy trình sản xuất thủ công đầy tinh xảo.”