Sức khoẻ

Vinamilk phản hồi tinh tế nghi vấn viết sai tiếng Anh trên bao bì

MCS- Câu chuyện xoay quanh từ “yoghurt” trên bao bì sản phẩm của Vinamilk bất ngờ trở thành đề tài bàn tán trên mạng xã hội. Trong khi nhiều người cho rằng đây là lỗi chính tả tiếng Anh, phản hồi từ phía thương hiệu không chỉ làm rõ ngôn ngữ mà còn ghi điểm nhờ sự tinh tế, thân thiện

Những ngày gần đây, một thắc mắc nhỏ liên quan đến từ ngữ tiếng Anh in trên bao bì sản phẩm sữa chua của Vinamilk bất ngờ thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Theo chia sẻ từ một người tiêu dùng, chữ “yoghurt” in trên bao bì khiến họ ngạc nhiên vì khác với cách viết phổ biến là “yogurt”, thường thấy trong tiếng Anh – Mỹ.

Một từ tiếng Anh xuất hiện trên bao bì sản phẩm của Vinamilk bất ngờ trở thành tâm điểm bàn tán trên mạng xã hội.
Một từ tiếng Anh xuất hiện trên bao bì sản phẩm của Vinamilk bất ngờ trở thành tâm điểm bàn tán trên mạng xã hội.

Ngay lập tức, nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng Vinamilk thương hiệu sữa lớn hàng đầu Việt Nam lại để xảy ra lỗi sai chính tả tiếng Anh cơ bản trên sản phẩm tiêu dùng rộng rãi?

Trước làn sóng tranh luận, Vinamilk đã nhanh chóng đưa ra phản hồi chính thức. Không chỉ làm rõ vấn đề, lời giải thích từ nhãn hàng còn nhận được sự ủng hộ vì ngôn từ nhẹ nhàng, gần gũi, không kém phần tinh tế.

Cụ thể, Vinamilk cho biết: “Từ ‘yoghurt’ là cách viết theo chuẩn tiếng Anh – Anh. Trong khi đó, ‘yogurt’ là cách viết phổ biến ở Mỹ. Cả hai đều được công nhận và sử dụng trong các quốc gia nói tiếng Anh.”

Không chỉ dừng ở việc cung cấp thông tin chính xác, Vinamilk còn thể hiện sự trân trọng với người tiêu dùng khi cho rằng việc quan tâm đến từng chi tiết nhỏ trên bao bì là một hành động đáng quý.

Vinamilk đã nhanh chóng có động thái phản hồi bằng một lời giải thích mang đậm tinh thần cầu thị
Vinamilk đã nhanh chóng có động thái phản hồi bằng một lời giải thích mang đậm tinh thần cầu thị.

Hãng viết: “Thật tuyệt khi bạn để tâm. Chúng tớ tin rằng mỗi thiết kế đều mang trong mình những thông điệp thú vị.”

Chính phong cách phản hồi này không giáo điều, không mang tính phòng thủ lại được nhiều người đánh giá là “cao tay”. Ở phần bình luận dưới bài đăng gốc, rất đông người dùng bày tỏ sự thích thú: “Cách giải thích vừa nhẹ nhàng vừa thông minh”, “Không sai chính tả mà còn thêm kiến thức tiếng Anh, đỉnh quá Vinamilk!”

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng đây là tình huống điển hình cho việc thương hiệu có thể tận dụng những phản hồi tưởng như tiêu cực để tạo thiện cảm với công chúng. Thay vì né tránh, Vinamilk chọn cách trò chuyện với người tiêu dùng như một người bạn điều không phải thương hiệu nào cũng làm được một cách tự nhiên.

Sự việc tuy nhỏ, nhưng lại mở ra nhiều góc nhìn về cách thương hiệu có thể xây dựng niềm tin không chỉ bằng chất lượng sản phẩm mà còn ở cách phản ứng trước thắc mắc của khách hàng. Khi truyền thông ngày càng đòi hỏi sự minh bạch, gần gũi và đồng cảm, có lẽ đây chính là một trong những yếu tố làm nên độ bền thương hiệu.