Âm nhạc và Điện Ảnh

Web drama Việt bị chê thảm họa với kịch bản “sến lụa”

MCS- Vừa ra mắt, Mẹ lao công học yêu lập tức gây xôn xao dư luận với kịch bản bị tố "vay mượn" từ phim Trung Quốc. Từ lời thoại gượng gạo đến mối tình chênh lệch tuổi tác, bộ phim nhận nhiều chỉ trích nhưng vẫn thu hút sự chú ý của khán giả.

Ngày 19/12, tập đầu tiên của web drama Mẹ lao công học yêu được phát sóng, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Phim xoay quanh Mỹ Hằng, một người phụ nữ trung niên giàu có, quyết định thử trải nghiệm làm nhân viên tạp vụ. Trong một đêm làm việc, cô vô tình cứu Nhật Duy một chủ tịch trẻ tuổi khỏi một âm mưu. Sau đó, mối quan hệ giữa hai nhân vật nhanh chóng phát triển theo cách khiến người xem khó lòng tin tưởng.

Mẹ lao công học yêu bộ phim gây tranh cãi ngay từ tập đầu.
Mẹ lao công học yêu bộ phim gây tranh cãi ngay từ tập đầu.

Mối tình “chênh lệch 20 tuổi” không chỉ gặp sự phản đối từ phía gia đình mà còn khiến khán giả phải “ngỡ ngàng” vì tình tiết phi thực tế. Thậm chí, chi tiết Nhật Duy đưa tiền “bồi thường” cho Mỹ Hằng sau một đêm đã khiến bộ phim bị quy chụp là vay mượn ý tưởng từ Tổng tài yêu tôi, một phụ nữ mãn kinh, một web drama Trung Quốc từng bị chỉ trích gay gắt.

Nhiều khán giả không hài lòng với cách xây dựng kịch bản thiếu sáng tạo, khi tình tiết giữa hai bộ phim quá giống nhau. Từ việc nữ chính cứu nam chính đến những phát triển sau đó, tất cả đều bị xem là “sao chép”. Một số bình luận cho rằng, phim Việt cần đầu tư nội dung mới mẻ thay vì cố bắt chước các xu hướng đã bị lỗi thời.

Diễn xuất và lời thoại là nguyên nhân khiến phim bị chê bai

Không dừng lại ở kịch bản, Mẹ lao công học yêu còn nhận chỉ trích vì phần lời thoại sến sẩm và thiếu thực tế. Những câu nói như “Ở nhà tôi nuôi, chị không cần đi làm nữa” hay “Đây là 10 tỷ, cầm lấy và biến khỏi con trai tôi” khiến khán giả cảm thấy gượng gạo và khó chịu. Thay vì tạo chiều sâu cho nhân vật, lời thoại lại trở thành yếu tố khiến bộ phim thêm phần “thảm họa”.

Không chỉ nội dung, lời thoại trong phim cũng bị đánh giá là sến sẩm, gượng gạo
Không chỉ nội dung, lời thoại trong phim cũng bị đánh giá là sến sẩm, gượng gạo.

Phần diễn xuất của dàn diễn viên cũng là điểm trừ lớn. Vai Nhật Duy chủ tịch trẻ tuổi của tập đoàn lớn không toát lên phong thái quyền lực, trong khi Mỹ Hằng cũng chưa đủ sức thể hiện hình ảnh một người phụ nữ trung niên đầy trải nghiệm. Bối cảnh phim sơ sài, thiếu điểm nhấn, khiến nhiều khán giả nhận xét rằng phim như một sản phẩm “tạo sóng” để câu tương tác.

Dòng phim tổng tài xu hướng đã lỗi thời?

Một số ý kiến cho rằng nhà sản xuất cố ý tạo nên một "thảm họa phim ảnh" để thu hút sự chú ý, thay vì đầu tư cho chất lượng.
Một số ý kiến cho rằng nhà sản xuất cố ý tạo nên một “thảm họa phim ảnh” để thu hút sự chú ý, thay vì đầu tư cho chất lượng.

Không chỉ riêng Mẹ lao công học yêu, dòng phim về tổng tài và mối tình lãng mạn chênh lệch tuổi tác cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khán giả. Tại Trung Quốc, những phim cùng thể loại đã bị chấn chỉnh vì nội dung thiếu thực tế, lối xây dựng nhân vật phi lý. Trong khi đó, tại Việt Nam, các web drama với mô-típ “chủ tịch giả nghèo” hay “tình yêu cổ tích” cũng không còn đủ sức hấp dẫn, mà ngược lại, thường xuyên bị chê bai.

Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu đã đến lúc các nhà sản xuất phim Việt cần tìm hướng đi mới mẻ, thay vì phụ thuộc vào những kịch bản cũ kỹ, vay mượn từ nước ngoài?