Hiện giá thu mua nhiều loại tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh tăng trở lại với mức dao động từ 10.000-15.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Giá tôm thẻ chân trắng loại 100-110 con/kg từ 75.000-80.000 đồng, loại 60-80 con/kg từ 90.000-100.000 đồng/kg, loại 30-40 con/kg từ 110.000-120.000 đồng/kg. Tôm sú loại 50 con/kg trở lên có giá từ 115.000-130.000 đồng/kg, loại 30-40 con/kg có giá từ 155.000-165.000 đồng/kg.
Được biết giá tôm tăng nhưng lượng tôm không nhiều, do trong thời gian giá tôm giảm, nhiều hộ “treo ao” chưa thả nuôi vụ mới. Giá tôm phục hồi phần nào giải tỏa áp lực rủi ro đối với các hộ nuôi tôm. Nhiều nông dân đang bắt đầu cải tạo ao, thả nuôi vụ mới với kỳ vọng cuối năm giá tôm tiếp tục tăng, người nuôi có thể có lãi.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh thả nuôi 5.662ha tôm nước lợ, bằng 83,9% kế hoạch (6.750ha), bằng 100,4% so cùng kỳ, trong đó, lũy kế diện tích nuôi tôm thẻ vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh là 655ha. Hiện đã thu hoạch 5.270ha, năng suất bình quân 3 tấn/ha, sản lượng 16.003,5 tấn, đạt 83,9% kế hoạch và bằng 100,4% so cùng kỳ. Tổng diện tích thiệt hại trên tôm 64,9ha (tôm sú 7,72ha, tôm thẻ 57,25ha), chiếm 1,2% diện tích thả nuôi.
Trong bối cảnh giá thức ăn, các loại thuốc thú y thủy sản phục vụ nghề nuôi tôm vẫn còn ở mức cao, để giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận, người nuôi tôm cần tuân thủ những khuyến cáo về lịch thời vụ thả tôm của ngành chuyên môn, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất để bảo đảm vụ nuôi thắng lợi.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh – Nguyễn Thanh Toàn khuyến cáo: “Thời tiết đang giao mùa, tôm dễ phát sinh dịch bệnh. Người nuôi tôm cần thường xuyên theo dõi diễn biến để bổ sung các loại khoáng chất, vitamin nhằm tăng cường dinh dưỡng và khả năng đề kháng giúp tôm chống chịu lại thời tiết bất thường; sử dụng men vi sinh vào môi trường nước nuôi giúp phân hủy bùn bã hữu cơ và ổn định môi trường nước trong ao. Bên cạnh đó, các hộ nuôi tôm lựa chọn con giống có chất lượng tốt và sạch mầm bệnh trước khi thả nuôi để nâng tỷ lệ tôm sống, chú trọng sản xuất theo quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn và thả nuôi với mật độ thích hợp để góp phần bảo đảm hiệu quả sản xuất”.