Tại hội nghị về bất động sản mới đây, các ý kiến đều nhận định, thị trường hiện nay vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó có một số tồn tại, vướng mắc đã kéo dài như hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng; lệch pha cung – cầu phân khúc nhà ở; năng lực tài chính của doanh nghiệp còn khiêm tốn và phụ thuộc chủ yếu vào nguồn huy động từ bên ngoài…
MÔI TRƯỜNG KINH DOANH TIỀM ẨN NHIỀU RỦI RO
Từ thực tế triển khai dự án, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, chia sẻ: Hưng Thịnh vừa được cấp hạn mức cho vay, nguồn vốn này hứa hẹn giúp tháo gỡ nút thắt về vốn cho các doanh nghiệp trong tập đoàn, cùng hàng trăm nhà thầu tại những dự án đang dang dở. Do đó, tập đoàn đã lên kế hoạch đưa dòng tiền vào trực tiếp các dự án để triển khai xây dựng và sản xuất – kinh doanh, nhằm tạo ra công ăn việc làm, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người ở thực với giá cả phù hợp, vừa túi tiền. Nhiều ngành nghề phụ trợ cũng trông chờ dòng tiền này để tiếp tục sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên, Hưng Thịnh lại gặp khó bởi pháp lý dự án bất động sản đang triển khai kéo dài.
Bàn về thực trạng này, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thừa nhận pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng ở nước ta vẫn xuất hiện chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn, thiếu cụ thể và nhất quán. Việc tuân thủ một “mạng nhện” các quy định không những tạo ra chi phí lớn, mà còn gây rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến không khí đầu tư kinh doanh, lẫn lòng tin của thị trường. “Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể, khiến thanh khoản toàn thị trường suy giảm. Tổng cộng 10 tháng đầu năm 2023, cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so cùng kỳ năm trước. Trong khi số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đạt 3.850, giảm 50,2% so cùng kỳ”, chuyên gia Nguyễn Đình Cung dẫn chứng.
Đưa ra ý kiến, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc, nhận xét: Khoảng 70% dự án bất động sản gặp khó khăn về pháp lý là một dấu hiệu cho thấy môi trường thể chế, và thực thi thể chế đang có vấn đề cần Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Doanh nghiệp có lẽ đang cảm thấy bất an khi môi trường kinh doanh, môi trường phát triển tiềm ẩn nhiều rủi ro.
CHUNG TAY GỠ KHÓ CHO THỊ TRƯỜNG
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thời gian qua, đứng trước khó khăn của thị trường bất động sản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, các tổ công tác cũng có đánh giá về những vấn đề của thị trường để tìm giải pháp tháo gỡ. Bởi vậy, thị trường bắt đầu xuất hiện dấu hiệu tích cực hơn và vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, tuy nhiên còn nhiều khó khăn trước mắt cần vượt qua trong thời gian tới.
Về phía Bộ Xây dựng, sẽ phối hợp cùng các cơ quan của Quốc hội rà soát hoàn thiện hai dự án luật, đó là Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, tham gia có ý kiến Luật Đất đai, ban hành văn bản hướng dẫn, rà soát những nghị định, thông tư để đơn giản hoá thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho thị trường bất động sản. Bộ sẽ tập trung hướng dẫn, đôn đốc thực thi pháp luật trong lĩnh vực bất động sản. Với đề án hướng tới 1 triệu nhà ở xã hội quyết tâm phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến tín dụng, thị trường trái phiếu… nghiên cứu đề xuất cơ chế tạo lập nguồn vốn ổn định cho thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, Bộ trưởng đề nghị bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản. Trong thực thi pháp luật, đề nghị địa phương quan tâm, đẩy mạnh, cùng nhau tháo gỡ theo thẩm quyền của mình.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng chúng ta đang đứng trước cơ hội mà nhiều người ví von 10 năm mới có 1, bởi cùng một lúc sửa đổi hàng loạt Luật có tác động quyết định đến thị trường bất động sản. Nhưng theo tôi, không chỉ là cơ hội 10 năm có 1, mà quan trọng hơn còn là thời cơ vàng giúp vực dậy những doanh nghiệp Việt đang đứng trước “cửa tử”. Nhìn rộng ra, đây chính là cơ hội để khai thác, phát huy nguồn lực đất đai vốn chưa được nhìn nhận và khơi thông hợp lý để đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của đất nước.
Chúng ta cần nhìn vào đóng góp của bất động sản trong GDP, theo tính toán của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam là một con số không nhỏ. Tuy rằng khi so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới chưa phải cao, nhưng quan trọng, nguồn lực đất đai đã được chuyển hóa, phục vụ cho quá trình phát triển, và hệ số lan tỏa mạnh mẽ của thị trường bất động sản đến hàng trăm ngành, nghề khác, đặc biệt tác động đến sự chuyển dịch và tăng năng suất lao động. Ứng xử chính sách khôn khéo, có tầm nhìn với thị trường này, chúng ta sẽ được nhiều hơn mất.