Hơi thở truyền thống trong từng trang sách
Khi nhắc đến Tết cổ truyền, không chỉ có bánh chưng xanh, cành mai vàng hay những bữa cơm đoàn viên, mà còn có những giá trị văn hóa sâu sắc, được lưu giữ trong từng trang sách. Sách Tết Ất Tỵ 2025 là một minh chứng cho nỗ lực phục hưng nét đẹp này, tiếp nối hành trình 6 năm của dòng sách Tết được khơi lại từ 2019.
Ấn phẩm năm nay khởi đầu bằng những câu chuyện giàu cảm xúc trong phần “Khúc dạo đầu của mùa xuân” Những bài viết như Mở toang cánh cửa năm mới của Trung Sỹ hay Người Việt còn ăn Tết đến bao giờ… của Nguyễn Ngọc Tiến không chỉ khơi gợi cảm hứng Tết, mà còn khiến độc giả suy ngẫm về ý nghĩa và sự thay đổi của ngày lễ truyền thống trong nhịp sống hiện đại.
Ở phần văn xuôi, độc giả được dẫn dắt vào những câu chuyện đầy nhân văn, từ tình cảm trong trẻo trong Quà biển của Lê Minh Khuê, đến sự đồng cảm sâu sắc trong Chủ nhật mùng một xa xứ của Thư Uyển. Tất cả tạo nên một bức tranh cảm xúc vừa gần gũi, vừa đầy bất ngờ.
Hội tụ tinh hoa văn học, âm nhạc, hội họa
Không dừng lại ở thơ văn, Sách Tết Ất Tỵ 2025 còn mang đến hơi thở mùa xuân qua âm nhạc và hội họa. Những bài hát nổi tiếng như Bài ca hy vọng, Mùa xuân làng lúa làng hoa, hay Đất nước mùa xuân được tái hiện với lời bình đầy cảm xúc, giúp người đọc không chỉ nghe mà còn cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc trong từng giai điệu.
Phần hội họa tôn vinh họa sĩ Đào Hải Phong – một tài năng tuổi Tỵ với phong cách độc đáo. Những bức tranh của ông không chỉ đẹp mà còn mang năng lượng chữa lành, được giới thiệu qua bài viết Những bức tranh có năng lượng sinh học chữa bệnh của Nguyên Đăng, mở ra góc nhìn thú vị về vai trò của nghệ thuật trong đời sống.
Sự góp mặt của các họa sĩ như Hoàng Phượng Vỹ, Đặng Xuân Hòa, cùng những cây bút gạo cội như Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ, và các tác giả trẻ như Huỳnh Trọng Khang, Hiền Trang, tạo nên một cuốn sách Tết vừa truyền thống, vừa hiện đại, đáp ứng sự mong đợi của nhiều thế hệ độc giả.