Những hình ảnh người thật được AI chuyển hoá thành mô hình nhân vật 3D đầy màu sắc, chi tiết và ngộ nghĩnh. Cư dân mạng thi nhau “hô biến” bản thân thành bác sĩ, phi hành gia, vũ công, thậm chí… pháp sư thời tương lai.
Chỉ cần tải một bức ảnh lên các nền tảng tích hợp AI hình ảnh như ChatGPT kèm lệnh chi tiết, người dùng sẽ nhận được mô hình “action figure” của chính mình được thiết kế theo phong cách hoạt hình 3D, đi kèm phụ kiện và background cực kỳ ăn khớp. Một cú viral quá dễ đoán trong kỷ nguyên “chơi gì cũng phải cá nhân hoá”.

AI dựng hình, nhưng người dùng đang “vẽ đường” cho kẻ khai thác dữ liệu?
Để cho ra đời một mô hình nhân vật đẹp long lanh, người dùng thường phải cung cấp ảnh chân dung rõ nét và các đặc điểm cá nhân cụ thể: giới tính, nghề nghiệp, sở thích, thậm chí… phong cách ăn mặc. Nghe có vẻ đơn giản. Nhưng dưới góc nhìn bảo mật, đấy lại là cả một kho dữ liệu quý giá từ nhận diện khuôn mặt cho tới hành vi người dùng.
Điều đáng ngại hơn, chính là việc nhiều người tự ý sử dụng ảnh người khác, từ bạn bè cho đến người nổi tiếng, để “chế búp bê” mà không hề xin phép. Việc này không chỉ gây tổn thương mà còn tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật nếu ảnh bị dùng với mục đích không rõ ràng.

Trong thế giới ảo, mỗi bức ảnh không chỉ là hình ảnh. Nó là dữ liệu, là bản sắc, là một phần danh tính. Khi bạn cung cấp ảnh cho một công cụ AI, bạn đang đồng ý để thuật toán xử lý nhưng đôi khi cũng vô tình “trao tay” dữ liệu cho hệ thống không minh bạch.
Các chuyên gia nhấn mạnh: nhiều nền tảng AI chưa công bố rõ ràng về cách xử lý, lưu trữ hay xoá bỏ dữ liệu người dùng. Điều đó đồng nghĩa, ảnh của bạn có thể “lang thang” trên server ở đâu đó mà chính bạn không kiểm soát được.
Vui với công nghệ, đừng buông tay quyền kiểm soát
Sự hấp dẫn của AI không thể phủ nhận. Nó khiến người trẻ được “thấy mình” trong một hình hài khác kỳ ảo hơn, ngầu hơn, đáng yêu hơn. Nhưng giữa thời đại dữ liệu là vàng, cái giá của một phút vui vẻ đôi khi là sự đánh đổi dài lâu về quyền riêng tư và danh tính số.