Baron 40 tuổi, đã sử dụng ChatGPT để viết lại tin nhắn cho vợ, tránh việc giao tiếp trở nên căng thẳng. Ông thừa nhận công cụ này giúp ông thể hiện suy nghĩ một cách bình tĩnh và rõ ràng hơn. Tương tự, nhiều người trên diễn đàn Reddit cũng chia sẻ rằng ChatGPT giúp họ giải quyết xung đột hoặc tạo ra lời xin lỗi khiến đối phương dễ chấp nhận hơn.
Nhưng không phải ai cũng hài lòng với cách làm này. Một người đàn ông phát hiện vợ dùng ChatGPT để viết lời xin lỗi và cảm thấy bất ngờ. Dù vậy, ông thừa nhận lời xin lỗi này chân thành hơn những gì vợ từng nói trước đây.
Theo chuyên gia tâm lý Cynthia Shaw, ChatGPT có thể là công cụ hỗ trợ hiệu quả, đặc biệt với những người gặp khó khăn trong giao tiếp. Công cụ này không chỉ cung cấp cách diễn đạt hợp lý mà còn giúp người dùng hiểu rõ hơn quan điểm của đối phương. Tuy nhiên, sử dụng AI một cách mù quáng có thể làm giảm đi tính chân thực của lời nói và khiến mối quan hệ trở nên “máy móc”.
Melanie McNally, một nhà tâm lý học khác, cảnh báo rằng AI không thể thay thế cảm xúc thật. “Khi xin lỗi, điều quan trọng là sự ăn năn chân thành, điều mà AI không thể hiện được,” bà nhấn mạnh.
Một số người dùng, đặc biệt là nhóm neurodivergent (như những người mắc ADHD hoặc Asperger), tìm thấy sự hỗ trợ lớn từ ChatGPT. Công cụ này giúp họ vượt qua khó khăn trong việc giao tiếp, thể hiện cảm xúc hoặc xử lý xung đột. Tuy nhiên, nếu sử dụng AI như một giải pháp “chống cháy” thay vì đối mặt với vấn đề, nó có thể gây ra những hiểu lầm nghiêm trọng trong mối quan hệ.
Dùng ChatGPT để tranh luận hay xin lỗi không sai, nhưng điều quan trọng là cách bạn truyền tải cảm xúc thật của mình. Một lời xin lỗi hoàn hảo từ AI không thể thay thế được hành động và thái độ chân thành trong thực tế. Tình yêu không chỉ cần những từ ngữ đẹp mà còn đòi hỏi sự thấu hiểu và nỗ lực từ cả hai phía.