Đời Sống

Cửa ngõ TPHCM “ngộp thở” ngày 25 Tết

MCS- Từ sáng 25 Tết, các tuyến đường cửa ngõ TPHCM đã rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng khi hàng nghìn người dân rời thành phố để về quê đón Tết. Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất và các bến xe cũng hoạt động hết công suất để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao dịp cuối năm.

Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu di chuyển của người dân càng tăng mạnh, khiến giao thông tại các cửa ngõ TP.HCM trở nên căng thẳng. Không chỉ các tuyến đường dẫn về miền Tây, miền Đông mà ngay cả các bến xe và sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang đối mặt với áp lực lớn.

Ùn tắc nghiêm trọng tại các tuyến cửa ngõ

Từ sáng sớm ngày 25 Tết, giao thông tại các cửa ngõ rời TP.HCM bắt đầu gặp khó khăn. Tuyến quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM – Trung Lương qua địa phận huyện Bình Chánh trở nên đông đúc khi dòng xe nối dài hàng cây số.

Từ sáng sớm, quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh đã "đầy ắp" các loại phương tiện
Từ sáng sớm, quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh đã “đầy ắp” các loại phương tiện.

Người dân rời thành phố về quê ăn Tết đa số chọn khung giờ sáng sớm để tránh ùn tắc, nhưng tình trạng giao thông vẫn không mấy khả quan. Anh Nguyễn Minh Sơn, một người dân về quê Tiền Giang, chia sẻ: “Ra khỏi nhà từ 7h nhưng chỉ đến vòng xoay An Lạc là kẹt cứng. Các phương tiện đều phải di chuyển từng chút một.”

Lượng xe đông khiến di chuyển vẫn rất chậm.
Lượng xe đông khiến di chuyển vẫn rất chậm.

Ở phía Đông thành phố, khu vực nút giao An Phú và trạm thu phí Long Phước cũng rơi vào cảnh tắc nghẽn kéo dài. Lực lượng CSGT liên tục tổ chức phân luồng để giảm áp lực, nhưng tình trạng ùn tắc vẫn chưa cải thiện nhiều.

Khu vực phà Cát Lái, tuyến đường từ TP Thủ Đức sang Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng ghi nhận lượng khách đông đúc. Theo Xí nghiệp quản lý phà, mỗi ngày có khoảng 40.000 lượt khách qua phà, và dự kiến sẽ tăng lên 60.000 lượt trong các ngày cao điểm từ 26 đến 28 tháng Chạp.

Bến xe và sân bay căng mình phục vụ hành khách

Tại bến xe Miền Đông và bến xe Miền Tây, nhu cầu đi lại tăng đột biến khiến các bến xe trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đại diện bến xe Miền Đông cho biết, cao điểm Tết có thể phục vụ tới 182.000 lượt khách mỗi ngày. Trong khi đó, bến xe Miền Tây dự kiến phục vụ hơn 62.000 lượt khách trong các ngày sát Tết.

Các bến xe đã bố trí thêm xe tăng cường để giải tỏa lượng khách, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.
Các bến xe đã bố trí thêm xe tăng cường để giải tỏa lượng khách, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.
Sân bay Tân Sơn Nhất cũng là "tâm điểm" ngày 25 Tết khi lượng khách đạt hơn 150.000 lượt.
Sân bay Tân Sơn Nhất cũng là “tâm điểm” ngày 25 Tết khi lượng khách đạt hơn 150.000 lượt.

Không chỉ các bến xe, sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang đối mặt với áp lực lớn. Ngày 25 Tết, sân bay khai thác hơn 1.000 chuyến bay với lượng hành khách vượt 150.000 lượt. Các quầy vé và khu vực chờ đều chật kín người, khiến sân bay trở nên “quá tải.”

Lộ trình ‘né’ kẹt xe từ TPHCM đi các tỉnh 

Cơ quan chức năng TPHCM khuyến cáo 10 lộ trình né kẹt xe từ TPHCM đi các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ trong dịp cao điểm Tết như sau:

Đi các tỉnh phía Bắc:

➢ Lộ trình 1: Bến xe Miền Đông mới → quốc lộ 1 → cầu Đồng Nai → ngã 3 Vũng Tàu → quốc lộ 51 → đường Võ Nguyên Giáp (đường tránh TP Biên Hòa) → quốc lộ 1 (Ngã ba Dầu Giây) → các tỉnh phía Bắc.

Hoặc Bến xe Miền Đông mới → quốc lộ 1 → cầu Đồng Nai → cầu vượt ngã 3 Vũng Tàu → quốc lộ 1 (ngã ba Dầu Giây) → các tỉnh phía Bắc.

➢ Lộ trình 2 (dành cho ô tô): Bến xe Miền Đông mới → quốc lộ 1→ cầu Đồng Nai → ngã 3 Vũng Tàu → quốc lộ 51 → đường cao tốc Long Thành – Phan Thiết → các tỉnh phía Bắc.

Đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên:

➢ Lộ trình 1: Bến xe Miền Đông → quốc lộ 13 → quốc lộ 14 (hoặc ĐT 741).

➢ Lộ trình 2: trục tuyến quốc lộ 13 – đường Phạm Văn Đồng → quốc lộ 1, TP Thủ Đức (đường Lê Khả Phiêu) → quốc lộ 1 → cầu Đồng Nai → cầu vượt ngã 3 Vũng Tàu → quốc lộ 1 (ngã ba Dầu Giây) → quốc lộ 20.

Hoặc Bến xe Miền Đông mới → quốc lộ 1 → cầu Đồng Nai → cầu vượt ngã 3 Vũng Tàu → quốc lộ 1 (ngã ba Dầu Giây) → quốc lộ 20.

➢ Lộ trình 3 (dành cho ô tô): Trục tuyến quốc lộ 13 – Phạm Văn Đồng → Đinh Bộ Lĩnh → Bạch Đằng → Xô Viết Nghệ Tĩnh → Điện Biên Phủ → cầu Sài Gòn → Võ Nguyên Giáp → Mai Chí Thọ → đường dẫn cao tốc → đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây → quốc lộ 1 (ngã ba Dầu Giây) → quốc lộ 20.

Đi các tỉnh miền Tây:

➢ Lộ trình 1: Bến xe Miền Tây → Kinh Dương Vương → quốc lộ 1, huyện Bình Chánh (đường Lê Khả Phiêu) → đường dẫn cao tốc → cao tốc TPHCM – Trung Lương → quốc lộ 1 → các tỉnh Miền Tây.

➢ Lộ trình 2: Bến xe Miền Tây → đường Kinh Dương Vương → quốc lộ 1, huyện Bình Chánh (đường Lê Khả Phiêu) → các tỉnh Miền Tây.

➢ Lộ trình 3: Bến xe Miền Tây → đường Kinh Dương Vương → quốc lộ 1, huyện Bình Chánh (đường Lê Khả Phiêu) → Nguyễn Văn Linh → quốc lộ 50, huyện Bình Chánh (đường Văn Tiến Dũng) → các tỉnh Miền Tây.

➢ Lộ trình 4: đường Trường Chinh → quốc lộ 22, huyện Hóc Môn (đường Lê Quang Đạo) → quốc lộ 22, huyện Củ Chi (đường Phan Văn Khải) → tỉnh lộ 8 → tuyến N2 → các tỉnh Miền Tây.

Hoặc trục đường Trường Chinh → quốc lộ 22, huyện Hóc Môn (đường Lê Quang Đạo) → Nguyễn Văn Bứa → ĐT 824 (tỉnh Long An) → tuyến N2 → các tỉnh Miền Tây.

➢ Lộ trình 5 (dành cho ô tô): quốc lộ 1, huyện Bình Chánh (đường Lê Khả Phiêu) → cao tốc Bến Lức – Long Thành → cao tốc TPHCM – Trung Lương.