Đời Sống

Cư dân mạng thích thú với hình ảnh đàn vịt hồng ở miền Tây

MCS- Clip đàn vịt màu hồng tại miền Tây khiến cư dân mạng thích thú. Hóa ra, đây là tập quán chăn nuôi quen thuộc, giúp chủ vịt dễ nhận diện đàn của mình trên cánh đồng.

Những ngày qua, đoạn clip về đàn vịt màu hồng rực rỡ xuất hiện ở miền Tây thu hút sự chú ý mạnh mẽ trên mạng xã hội. Chỉ trong vòng 24 giờ, video này đã đạt hơn 1,6 triệu lượt xem và hàng chục nghìn lượt tương tác.

Hiện tượng “vịt hồng” khiến mạng xã hội dậy sóng.
Hiện tượng “vịt hồng” khiến mạng xã hội dậy sóng.

Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên trước hình ảnh lạ mắt này và để lại loạt bình luận hài hước: “Vịt hồng hay hồng vịt đây? Trông cứ như thanh long biết đi!”,  “Chắc tụi nó vừa đi chơi Tết xong rủ nhau nhuộm lông cho hợp trend!” , “Vịt này mà đẻ trứng chắc cũng có màu hồng luôn quá!”

Không ít cư dân mạng cho rằng đây là giống vịt đặc biệt hoặc có sự lai tạo nào đó, nhưng sự thật đằng sau đàn vịt hồng này lại đơn giản hơn nhiều.

Màu hồng của vịt không phải do đột biến mà là kỹ thuật đánh dấu đàn để phân biệt với những đàn vịt khác.
Màu hồng của vịt không phải do đột biến mà là kỹ thuật đánh dấu đàn để phân biệt với những đàn vịt khác.

Theo chủ đàn vịt – anh Kiệt (Đồng Tháp), việc nhuộm màu không phải là thú chơi hay chiêu trò tạo trend, mà là cách đánh dấu đàn để phân biệt với các đàn vịt khác trong khu vực. Ở miền Tây, đặc biệt là các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, nhiều hộ chăn nuôi theo phương pháp thả đồng – tức là di chuyển đàn vịt theo mùa lúa để chúng nhặt thóc còn sót lại sau thu hoạch.

Mỗi mùa, có hàng chục đàn vịt với số lượng từ 4.000 – 5.000 con cùng di chuyển trên các cánh đồng rộng lớn, nên việc đánh dấu bằng phẩm màu là cách hữu ích để tránh lẫn lộn, giảm thất thoát. Phẩm màu được dùng chủ yếu là chiết xuất từ hoa tỏi, không gây hại cho sức khỏe của vịt.

Nhiều người lớn tuổi còn bồi hồi nhớ lại những ngày còn nhỏ, họ từng thấy đàn vịt vàng, xanh, đỏ tím chạy rông trên đồng, tạo nên hình ảnh vừa quen thuộc vừa thú vị của làng quê miền Tây.