Duolingo ứng dụng học ngôn ngữ hàng đầu thế giới, không chỉ nổi tiếng bởi nội dung giáo dục chất lượng mà còn bởi chiến lược tiếp thị “gây hấn thụ động” đầy độc đáo. Từ hình ảnh chú cú Duo buồn bã đến những thông báo châm biếm, Duolingo đã thành công trong việc biến cảm giác tội lỗi thành công cụ giữ chân hàng triệu người dùng.

Chiến lược của Duolingo dựa trên tâm lý học và game hóa để thu hút và duy trì sự tham gia. Những lời nhắc nhở như “Học tiếng Tây Ban Nha đòi hỏi phải luyện tập hàng ngày” hay “Giữ Duo vui vẻ!” khiến người dùng cảm thấy áp lực nhưng đồng thời tạo động lực quay lại ứng dụng. Theo Mauro Entrialgo, một chuyên gia tâm lý học, cảm giác kiểm soát và hoàn thành nhiệm vụ đơn giản là yếu tố khiến ứng dụng này gây nghiện.

Không chỉ dừng lại ở lời nhắc nhở, Duolingo còn tích hợp trò chơi hóa sâu sắc trong hành trình học tập. Từ bảng xếp hạng đến huy hiệu và chuỗi ngày liên tiếp, mọi yếu tố đều được thiết kế để kích thích dopamine “hormone hạnh phúc” trong não, giữ người dùng ở lại lâu hơn.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều người dùng phàn nàn rằng những lời nhắc nhở liên tục có thể gây căng thẳng và khiến họ mất hứng thú. Angela Lashbrook, một cây bút chuyên về công nghệ, cho biết cô từng từ bỏ ứng dụng vì cảm thấy áp lực từ những thông báo “khiếm nhã”.
Mặc dù còn gây tranh cãi, không thể phủ nhận rằng Duolingo đã thành công trong việc xây dựng bản sắc thương hiệu mạnh mẽ và tạo cộng đồng người dùng trung thành. Hình ảnh chú cú Duo không chỉ là biểu tượng của ứng dụng mà còn là hiện tượng văn hóa, xuất hiện phổ biến trên mạng xã hội.