Đặc sản đắt giá hay cuộc chiến với thiên nhiên?
Những ngày gần đây, một đoạn clip trên TikTok ghi lại quá trình săn trứng kiến tại vùng cao đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Cảnh tượng người đi rừng trèo cây, “vật lộn” với hàng nghìn con kiến chỉ để lấy một ít trứng nhỏ bé khiến nhiều người không khỏi thắc mắc: “Liệu món ăn này có đáng để mạo hiểm đến vậy không?”

Mùa trứng kiến thường rơi vào khoảng tháng 2 – tháng 3 âm lịch, khi những tổ kiến trên cây nứa, bụi gai bắt đầu sinh sản. Đây cũng là thời điểm người dân miền núi vào rừng tìm kiếm những tổ trứng quý giá. Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn ngay từ đầu. Có khi phải chặt đến tổ thứ ba, thứ tư mới thu được một mẻ trứng ưng ý.

Việc thu hoạch trứng kiến không chỉ cần sự kiên nhẫn mà còn đòi hỏi sự nhanh nhẹn. Sau khi tìm được tổ có trứng, người săn phải dùng mẹo dân gian quét trứng bằng cành dớn để tách trứng ra khỏi đàn kiến. Chỉ cần chậm tay một chút, đàn kiến sẽ bâu kín người và cắn rất đau.
Giá trị dinh dưỡng cao nhưng không phải ai cũng dám thử
Trứng kiến không chỉ là món ăn đặc trưng của vùng cao mà còn là thực phẩm giàu dinh dưỡng, được nhiều người săn đón. Giá trứng kiến có thể lên đến vài triệu đồng/kg, tùy vào độ tươi ngon.

Người dân địa phương thường chế biến trứng kiến theo nhiều cách như rang sả, trộn xôi, xào lá lốt hoặc làm nhân bánh. Một số món ăn phổ biến nhất có thể kể đến xôi trứng kiến khi trứng được hấp chín cùng xôi, tạo nên hương vị béo ngậy, thơm ngon.

Dù vậy, không phải ai cũng có thể ăn được món này. Một số người có cơ địa nhạy cảm có thể bị dị ứng nghiêm trọng khi ăn trứng kiến. Đã có những trường hợp bị sốc phản vệ và phải nhập viện khẩn cấp sau khi thưởng thức món đặc sản này.
Dù là thử thách hay trải nghiệm ẩm thực độc đáo, trứng kiến vẫn là một phần không thể thiếu trong văn hóa vùng cao. Với người miền xuôi, đây có thể là món ăn lạ lẫm. Nhưng với đồng bào miền núi, đây là món quà từ thiên nhiên, là thành quả của cả một hành trình đầy gian nan.