Lượng khách giảm, các hãng hàng không Việt Nam vẫn phải bay đều nếu không sẽ mất slot cho năm sau, theo Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành.
Thông tin trên được ông Thành nêu tại hội nghị triển khai kế hoạch của Cục Hàng không Việt Nam ngày 24/7. Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết nếu tính số chuyến, ngành hàng không cơ bản đã phục hồi trên các đường bay quốc tế đi/đến Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, về số lượng khách lại khác.
Đến tháng 7, tổng lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam mới đạt 10%, khách Nhật đạt 54% so với năm 2019. Riêng khách Hàn Quốc đạt 80% do khách công vụ nhiều. Khả quan nhất là khách Ấn Độ tăng gần gấp đôi, còn Australia và Mỹ tăng hơn 10%.
Tại thị trường nội địa, lượng khách vượt so với năm 2019 khoảng 10% nhưng bình quân 6 tháng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cao điểm hè, lượng khách tăng 14% nhưng giá vé bình quân giảm 14%. Nguyên nhân là cung vượt cầu, các hãng hàng không không bay được quốc tế nên dồn tải vào thị trường nội địa.
Ông Thành cho rằng Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không đánh giá bằng số lượng chuyến bay còn hãng đánh giá bằng lượng khách. Do đó, dù lượng khách giảm, các hãng vẫn cố giữ slot cho lịch bay mùa hè năm sau nên phải cố gắng bay mà không quan tâm đến hệ số sử dụng ghế. Điều này càng khiến hãng hàng không gặp khó.
“Thực tế, hàng không đã phục hồi cơ bản cả nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, hệ số sử dụng ghế bình quân trên các đường bay quốc tế chỉ khoảng 67-68%, thấp hơn 10% so với 2019”, ông nói.
Đồng quan điểm, ông Đinh Việt Phương, Tổng giám đốc Vietjet Air cũng cho rằng các hãng hàng không đang khó khăn. Bởi số chuyến bay tăng nhưng số khách không tăng, hệ số sử dụng ghế giảm. Nguyên nhân là thị trường giảm, sức mua giảm. Lượng khách quốc tế tăng so với năm trước song không đạt như kỳ vọng so với thời điểm trước dịch. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đến từ khu vực Đông Bắc Á rất thấp. Các nước như Trung Quốc, Nhật Bản vẫn đang khuyến khích người dân du lịch trong nước.
Ông Phương cho biết thông thường, cao điểm hè kéo dài đến khoảng 15/8, thậm chí là tuần thứ 3 của tháng 8. Nhưng năm nay, mới đến 15/7, lượng khách đã giảm. Dù khách giảm, hãng vẫn phải bay đều vì không bay thì sợ mất slot lịch sử.
“Cơ quan nhà nước giám sát chặt việc sử dụng slot nhưng phải hỗ trợ hãng hàng không. Slot là tài nguyên nhưng vận hành slot phải linh hoạt, hiệu quả, làm sao thúc đẩy hãng hàng không phát triển”, ông Phương kiến nghị.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết việc các hãng hàng không đang phải “bay để giữ slot”, là có thật.
Với các nhà chức trách hàng không nước ngoài, có bay mới giữ được slot. Nếu năm nay hãng bay Việt Nam không bảo đảm số lượng chuyến, năm sau họ sẽ cắt slot. Cục Hàng không đã trao đổi với nhà chức trách hàng không các nước để hỗ trợ theo nguyên tắc “có đi có lại”, song khó đàm phán do các hãng hàng không nước bạn không bay đến Việt Nam như Australia, Ấn Độ, Vương quốc Anh.
“Những trường hợp hết sức khó khăn, ngoài khả năng của Cục Hàng không, chúng tôi sẽ đề nghị đàm phán ở những cấp cao hơn, qua đường ngoại giao”, ông Thắng cam kết.
Trên thị trường nội địa, ông Thắng cho biết Thông tư 29 quy định rõ, slot lịch sử của một mùa lịch bay là chuỗi slot được sử dụng đúng với tỷ lệ ít nhất 80%. Khi thị trường xuống thấp như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước cũng muốn linh hoạt cho các hãng không phải đảm bảo đủ tỷ lệ slot sử dụng theo quy định vẫn giữ được slot lịch sử. Tuy nhiên, pháp luật quy định, muốn thay đổi phải sửa thông tư.
“Những kiến nghị này của doanh nghiệp là hợp lý. Chúng tôi sẽ nghiên cứu sớm, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi Thông tư 29”, ông Thắng khẳng định.
6 tháng đầu năm, tổng thị trường hành khách hàng không ước đạt gần 35 triệu khách, tăng hơn 49% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 14,7 triệu khách, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, bằng 74% so cùng kỳ 2019. Khách nội địa đạt 20 triệu khách, giảm 3,4% nhưng tăng hơn 8% so cùng kỳ 2019.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA), thị trường vận tải hàng không quốc tế đã cơ bản ổn định nhưng phục hồi chậm, chỉ bằng 88% so với 2019. Dự kiến, đến năm 2024 mới có thể về bằng mức trước dịch Covid-19.