Khó truy vết kho hàng, người bán qua mạng
Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo xây dựng luật Thương mại điện tử (TMĐT). Theo bộ này, hiện phát sinh một số mô hình hoạt động TMĐT mới như hoạt động trên mạng xã hội, xuyên biên giới, của nhà đầu tư nước ngoài và việc kiểm soát người bán trên các nền tảng TMĐT vẫn đang là thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước. Quy định hiện tại giao cho các sàn TMĐT xác định danh tính người bán nhưng nhiều nơi chưa thực hiện, dẫn đến khó kiểm soát chính xác thông tin về người bán, đặc biệt là người bán hàng ở nước ngoài. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng không nắm được một người bán hàng hoạt động trên bao nhiêu nền tảng TMĐT.
Việc chưa có quy định chặt chẽ về xác minh và lưu trữ thông tin người bán khiến công tác điều tra và xử lý vi phạm trong giao dịch TMĐT trở nên phức tạp. Các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc truy vết kho hàng hoặc đối tượng bán hàng khi có vi phạm. Bên cạnh đó, vì không có cơ chế định danh điện tử cũng như kiểm tra, giám sát toàn diện, các nền tảng TMĐT có thể bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động gian lận hoặc trốn thuế. Các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan thuế, không thể theo dõi đầy đủ giao dịch và hoạt động của người bán. Đồng thời, người tiêu dùng khó có thể xác minh độ tin cậy của người bán trên các sàn TMĐT nếu thông tin về người bán không được rõ ràng, minh bạch. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng và làm giảm độ tin cậy của nền tảng TMĐT.
“Với sự xuất hiện của các công nghệ, nền tảng mới như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), thương mại qua mạng xã hội (Social Commerce), các mô hình TMĐT ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng, nhưng hiện nay chưa có quy định pháp luật điều chỉnh riêng biệt. Đặc biệt, một xu hướng phát triển nhanh chóng của TMĐT là hoạt động livestream bán hàng chỉ được điều chỉnh chung giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng, mà chưa có các quy định riêng về các chủ thể tham gia livestream (chủ tài khoản, người tham gia livestream), các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ 5 chuyên môn của người thực hiện livestream, định danh chủ tài khoản và các vấn đề về kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestream. Việc các mô hình, xu hướng trên vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của các chính sách hiện hành cũng như các vấn đề liên quan để bảo vệ dữ liệu cá nhân khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn, bất cập”, Bộ Công thương nhấn mạnh.
Thực tế, thời gian qua đã có nhiều trường hợp mua hàng qua mạng, mua sản phẩm thông qua các phiên livestream bán hàng đến khi nhận phải sản phẩm kém chất lượng, hàng dỏm, hàng giả thì không biết khiếu nại ở đâu nên đành “bấm bụng làm thinh”. Chị Loan (TP.HCM) chia sẻ cách đây vài tháng, chị đặt mua một bộ váy trên mạng, tiền hàng cộng phí ship gần 400.000 đồng. Khi nhận hàng chị vẫn thấy đẹp như lúc trên hình nhưng sau khi giặt xong thì chị ngã ngửa vì chiếc váy trước đó khá rộng bỗng co rút lại, bó sát, ngắn lên tận đùi và không thể nào mặc vừa. Quá bức xúc, chị liên hệ shop thì lúc đầu cửa hàng đổ lỗi có thể do chị giặt không đúng cách. Sau đó, người bán xin lỗi nhưng vẫn không chịu nhận lại hàng và trả lại tiền cho chị mà chỉ nói sẽ giảm giá nếu chị mua sản phẩm khác. Người bán có ghi địa chỉ ở Hà Nội nhưng không nêu rõ cụ thể đường, quận nào nên chị Loan cũng không biết khiếu nại với ai, chỉ đành “tặc lưỡi” rút kinh nghiệm…
Phải định danh điện tử
Từ thực tế nói trên, Bộ Công thương đưa ra dự thảo một số quy định về trách nhiệm của người bán trên nền tảng TMĐT. Trong đó có thực hiện định danh và xác thực điện tử trước khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ; Cung cấp thông tin cho nền tảng số trung gian TMĐT về tên thương nhân, địa chỉ, mã số định danh của thương nhân, tổ chức hoặc mã số thuế thu nhập cá nhân; Công bố công khai điều kiện giao dịch chung, giá cả, vận chuyển và giao nhận, phương thức thanh toán (nếu có); Tuân thủ các quy định về minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ, các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhiều người bán hàng online nhưng ẩn danh, không công khai địa chỉ nên dẫn đến tình trạng quảng cáo quá lố, bán hàng nhái, hàng kém chất lượng khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào hoạt động TMĐT. Đó là chưa kể nhiều cá nhân bán hàng online, livestream thu được tiền tỉ nhưng kê khai ít hoặc thậm chí trốn thuế nhưng cơ quan quản lý thuế không tìm được địa chỉ, danh tính cụ thể. Kinh doanh lãi cao nhưng không đóng thuế, phí cũng giúp người bán hàng TMĐT có thể mạnh tay giảm giá, khiến những người thuê cửa hàng, quầy sạp trong chợ hay trung tâm thương mại không thể cạnh tranh được.
Đây cũng là điều không công bằng cho hoạt động bán hàng nói chung. Hay việc không công khai giá bán khiến người mua dễ bị rủi ro. Vì vậy, việc bổ sung các điều kiện đối với người bán hàng trên TMĐT như định danh thông tin, địa chỉ, niêm yết giá bán… là rất cần thiết. Luật sư Trần Xoa nhấn mạnh: “Người bán phải công khai tất cả thông tin để tạo niềm tin cho người mua. Đồng thời phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, sản phẩm bán ra. Khi đó, môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng giữa các cá nhân, kinh doanh nói chung. Không thể có việc người bán hàng online thì bỏ sót, không đóng thuế phí trong khi người thuê cửa hàng phải đóng thuế, phí đầy đủ”.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng các điều kiện cơ bản đối với người bán hàng qua mạng nói trên là phù hợp. Hiện tại các quy định về hoạt động TMĐT hay bán hàng, livestream trên mạng còn kẽ hở nên tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn ngập các sàn TMĐT. Người tiêu dùng mua phải hàng dỏm, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ mà không biết khiếu nại ở đâu trong khi cơ quan quản lý không thể xử phạt người bán và thực thi các quy định về sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa… Vì thế, theo ông Thịnh, quy định mới là tốt cho tất cả các bên tham gia hoạt động TMĐT. Cụ thể là để bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và kê khai thuế theo quy định. Thậm chí người bán hàng đàng hoàng cũng sẽ yên tâm hơn khi không bị cạnh tranh thiếu công bằng.
Trách nhiệm của chủ quản nền tảng số trung gian TMĐT
Thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công thương về hoạt động; Quy định cụ thể các chính sách và quy định của nền tảng, công khai, minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ, người bán, đánh giá về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, các thông tin phải lưu trữ; Quy định về định danh người bán trên nền tảng số trung gian TMĐT; Quy định về các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để kiểm duyệt nội dung về hàng hóa, dịch vụ trước khi thông tin về hàng hóa, dịch vụ hiển thị; Quy định về phối hợp, hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ điều tra, xử lý các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp, khiếu nại; Quy định trách nhiệm liên đới của chủ quản nền tảng số trung gian TMĐT có người bán nước ngoài về giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp, nghĩa vụ thuế; Liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp không có biện pháp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm mà gây thiệt hại…