Vụ triệt phá đường dây chuyên sản xuất gần 600 loại sữa bột giả nhắm đến người bệnh, bà bầu và trẻ em đang khiến không ít người tiêu dùng giật mình tự hỏi: “Sữa mà tôi đã mua – có thật là sữa?”. Những cái tên như đông trùng hạ thảo, tổ yến, macca, óc chó từng được nhắc đến trong quảng cáo nay bị xác định hoàn toàn không có trong sản phẩm.
Không chỉ vậy, cơ quan chức năng còn xác định nhiều chỉ tiêu dinh dưỡng trong số sữa giả này không đạt quá 70% tiêu chuẩn công bố, đặt người tiêu dùng đặc biệt là nhóm đối tượng dễ tổn thương vào tình trạng rủi ro sức khỏe nghiêm trọng.

Nghệ sĩ và vai trò mơ hồ trong quảng cáo
Giữa tâm bão sữa giả, cộng đồng mạng bắt đầu “gọi tên” loạt nghệ sĩ từng tham gia quảng bá các dòng sữa với công dụng vượt trội. Từ NSND Hồng Vân, BTV Quang Minh, MC Vân Hugo, cho đến Cát Tường, Lê Khánh, đều từng xuất hiện trong các video, bài viết quảng cáo dòng sữa HIUP – sản phẩm bị cơ quan chức năng xử phạt vì quảng cáo sai lệch nội dung cấp phép.

Đáng chú ý, ngày 21/3/2024, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ Alama Việt Nam đơn vị phân phối dòng sữa HIUP với số tiền 25 triệu đồng, đồng thời yêu cầu gỡ bỏ nội dung quảng cáo vi phạm.

Một lượng lớn nội dung quảng cáo cho HIUP từng xuất hiện rầm rộ trên mạng xã hội. Người nổi tiếng không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn chia sẻ câu chuyện cá nhân, “đánh trúng” tâm lý phụ huynh: muốn con khỏe, con cao, con thông minh.
Điều khiến khán giả thất vọng không chỉ ở sản phẩm, mà còn ở cảm giác bị phản bội bởi chính những gương mặt mà họ tin tưởng. BTV Quang Minh từng được xem là biểu tượng của sự chuẩn mực, nhưng nay bị phát hiện quảng cáo không chỉ một mà nhiều dòng sữa có vấn đề về nội dung.
Niềm tin vô hình, hậu quả hữu hình
Không có một quy định bắt buộc nghệ sĩ phải kiểm định từng sản phẩm họ quảng cáo. Nhưng khi sự hiện diện của họ trở thành yếu tố thúc đẩy tiêu dùng, câu chuyện không còn là cá nhân mà trở thành bài toán đạo đức.
Người tiêu dùng mua một sản phẩm không chỉ vì công dụng ghi trên bao bì, mà còn vì gương mặt phía sau nó. Và khi sản phẩm đó lừa dối, người nghệ sĩ khó lòng thoát khỏi liên đới về niềm tin bị đánh mất.

Không ít nghệ sĩ từng lên tiếng xin lỗi vì quảng bá nhầm lẫn từ MC Quyền Linh, Diệu Nhi, đến Phương Mỹ Chi… Nhưng liệu lời xin lỗi có đủ xoa dịu những gia đình từng tin tưởng, mua về và sử dụng sản phẩm cho con em mình?
Vấn đề không nằm ở lỗi một người, mà là khoảng trống trong cơ chế kiểm duyệt quảng cáo gắn với người nổi tiếng. Khi ngành quảng cáo chạy theo hiệu ứng thần tượng, còn nghệ sĩ xem quảng cáo là công việc vô hại, thì người cuối cùng chịu thiệt vẫn luôn là người tiêu dùng.