Tâm Sự Làm Đẹp

Nữ sinh nhập viện vì tin kem trị mụn “từ thiên nhiên” trên TikTok

MCS- Một hũ kem được tung hô “thần thánh” trên TikTok, được tin là cứu tinh cho làn da mụn, lại trở thành nguyên nhân khiến cô gái trẻ phải nhập viện trong tình trạng phù nề, lở loét nghiêm trọng.

Tin vào ‘thần dược thiên nhiên’, cô gái trẻ nhập viện vì viêm da cấp

Vốn là người yêu thích làm đẹp, M.T.P. (22 tuổi, Hà Nội) thường xuyên theo dõi các kênh chia sẻ bí quyết chăm sóc da trên TikTok. Gần đây, một sản phẩm “kem trị mụn từ thiên nhiên” bỗng xuất hiện dày đặc trên các tài khoản làm đẹp. Với các lời cam kết như “chiết xuất nghệ, tràm trà, nha đam không corticoid an toàn cho da nhạy cảm”, sản phẩm này nhanh chóng chiếm được lòng tin của nhiều người dùng trẻ, trong đó có P.

Dù đã ngừng dùng sản phẩm, tình trạng càng trở nặng: mặt sưng phù, mụn nước vỡ chảy dịch vàng, lan cả xuống cổ và hai cánh tay
Dù đã ngừng dùng sản phẩm, tình trạng P. càng trở nặng.

Ngay trong lần đầu sử dụng vào buổi tối, cô gái cảm thấy châm chích nhẹ. Nhưng nghĩ đây là phản ứng bình thường, P. tiếp tục dùng thêm hai ngày liên tiếp. Đến ngày thứ ba, các dấu hiệu cảnh báo bắt đầu rõ rệt: da đỏ ửng, nổi mụn nước, ngứa rát từ vùng cổ đến quai hàm, đặc biệt nghiêm trọng khi đổ mồ hôi.

Khi nhận thấy tình trạng ngày càng nặng, cô mới ngừng sử dụng. Nhưng lúc này, mọi thứ đã vượt khỏi tầm kiểm soát: da sưng phù, rỉ dịch vàng, vết thương lan rộng khắp mặt, cổ, thậm chí xuống cả cánh tay. Gia đình lập tức đưa P. đến bệnh viện để kiểm tra.

Chuyên gia da liễu cảnh báo: Thiên nhiên không đồng nghĩa với an toàn

BSCKII Nguyễn Tiến Thành – Thành viên Hội Da liễu Việt Nam, là người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, cho biết P. mắc viêm da tiếp xúc cấp tính, phản ứng nặng với thành phần trong kem. Tình trạng sưng tấy, rỉ dịch cho thấy lớp biểu bì đã bị tổn thương nghiêm trọng, nguy cơ để lại sẹo lâu dài nếu không được điều trị đúng cách.

Theo bác sĩ Thành, rất nhiều sản phẩm mang mác “thảo dược thiên nhiên” nhưng không qua kiểm nghiệm. Một số loại còn trộn corticoid hoặc hóa chất mạnh để tạo hiệu quả tức thời, khiến da nhanh sáng nhưng đồng thời cũng làm tổn thương cấu trúc da nghiêm trọng, đặc biệt nếu dùng không đúng cách hoặc kéo dài.

Theo bác sĩ Thành, không ít sản phẩm gắn mác “thảo dược thiên nhiên” nhưng thực chất lại chứa corticoid.
Theo bác sĩ Thành, không ít sản phẩm kem trị mụn gắn mác “thảo dược thiên nhiên” nhưng thực chất lại chứa corticoid.

“Nhiều bạn trẻ hiện nay có xu hướng tin tưởng tuyệt đối vào mỹ phẩm thiên nhiên. Nhưng nghệ, tràm trà, nha đam… nếu không qua xử lý chuẩn y khoa hoặc sử dụng sai tỷ lệ, vẫn có thể gây kích ứng mạnh”, bác sĩ cảnh báo. “Chưa kể hàng giả, hàng trôi nổi, hoặc sản phẩm bị trộn thêm chất cấm để tăng công dụng nhanh chóng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro không thể nhìn thấy ngay lập tức.”

Trường hợp của P. còn điển hình ở một sai lầm phổ biến: tiếp tục sử dụng sản phẩm ngay cả khi có dấu hiệu dị ứng nhẹ. Việc này khiến vùng tổn thương lan rộng, làm tăng nguy cơ để lại biến chứng như mất sắc tố, sẹo thâm, sẹo lồi hoặc sẹo lõm vĩnh viễn.

Hiện P. đang được điều trị bằng thuốc kháng viêm, thuốc chống dị ứng và các loại kem phục hồi da chuyên biệt. Sau 5 ngày, tình trạng bắt đầu cải thiện, nhưng bác sĩ cho biết quá trình hồi phục còn kéo dài và cần theo dõi sát sao.