Sầu riêng rớt giá kỷ lục, nông dân lo lắng
Sau Tết Nguyên đán, giá sầu riêng tại Việt Nam lao dốc không phanh, gây hoang mang cho cả người trồng lẫn thương lái. Trên các sàn thương mại điện tử, sầu riêng Ri6 được bán với mức 50.000 đồng/kg, trong khi sầu riêng Dona (Thái) chỉ khoảng 400.000 đồng/thùng (8-9kg) giảm đến 70% so với thời điểm trước Tết.
Tại các vựa thu mua lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, giá sầu riêng Ri6 loại A chỉ còn 60.000 đồng/kg, loại B giảm xuống 40.000 đồng/kg, trong khi sầu riêng Dona (Thái) cũng xuống còn 90.000 đồng/kg với loại A và 70.000 đồng/kg với loại B. Dù giá đã chạm mức thấp nhưng nhiều thương lái vẫn hạn chế nhập hàng do chưa tìm được đầu ra ổn định.
Đây là mức giá thấp nhất của sầu riêng trong vòng một năm qua, đánh dấu sự sụt giảm nghiêm trọng so với giai đoạn cao điểm xuất khẩu cuối năm 2024, khi giá sầu riêng Việt Nam từng đạt mức 140.000 – 180.000 đồng/kg tại vườn.
Nguyên nhân giá sầu riêng giảm sâu
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, nguyên nhân giá sầu riêng giảm mạnh nằm ở ba yếu tố chính: hàng rào kỹ thuật siết chặt từ Trung Quốc, nguồn cung trong nước tăng mạnh và nhu cầu tiêu thụ giảm sau Tết.

Là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiểm tra gắt gao đối với dư lượng chất vàng O (Auramine O) trong sản phẩm nhập khẩu. Đây là hóa chất công nghiệp bị cấm do có nguy cơ gây ung thư.
Cuối năm 2024, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phát hiện một số lô sầu riêng Thái Lan có dư lượng vàng O vượt mức cho phép. Ngay lập tức, nước này nâng cấp độ kiểm tra lên 100% lô hàng nhập khẩu, kéo dài thời gian thông quan từ 2-3 ngày lên tới 7 ngày/lô hàng.
Việc kiểm tra nghiêm ngặt khiến nhiều lô hàng Việt Nam bị tồn đọng tại cửa khẩu, không thể xuất khẩu đúng tiến độ, buộc doanh nghiệp phải quay đầu đưa hàng về tiêu thụ trong nước, khiến giá giảm mạnh.

Bên cạnh đó trong năm 2024, diện tích trồng sầu riêng tại Việt Nam đã mở rộng đáng kể do nhu cầu thị trường cao. Tuy nhiên, nguồn cung tăng nhanh trong khi đầu ra chưa kịp thích ứng, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn hàng.
Đặc biệt, sau Tết, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu giảm mạnh, trong khi nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long bước vào vụ thu hoạch chính, khiến lượng hàng hóa đổ dồn về thị trường nhưng không có đủ khách mua.