Khám Phá và Phiêu Lưu

Chấn động giới khoa học: Một kỹ sư “tiên đoán” động đất Myanmar chính xác đến khó tin!

MCS- Một kỹ sư tại Ấn Độ đã dự đoán chính xác về trận động đất Myanmar trước một tháng, bao gồm cả vị trí tâm chấn. Phải chăng đây là một bước tiến quan trọng trong nghiên cứu địa chấn, hay chỉ là sự trùng hợp đầy ngẫu nhiên?

Lời dự báo gây chấn động dư luận

Ngày 28/2, Siva Sitaram một kỹ sư cơ khí kiêm chuyên gia hệ thống thông tin địa lý tại Hyderabad (Ấn Độ) đã đăng bài dự đoán về một trận động đất mạnh gần Mandalay, Myanmar. Anh thậm chí còn ghi rõ tọa độ và ước tính cường độ khoảng 6 – 6,5 độ richter. Một tháng sau, vào đúng ngày 28/3, một trận động đất mạnh 7,7 độ đã xảy ra ngay tại địa điểm đó, khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc.

Dự báo động đất trước 1 tháng.
Dự báo động đất trước 1 tháng.

Điều khiến giới khoa học chú ý là Sitaram không chỉ đoán bừa mà đã sử dụng nhiều thông số để đưa ra dự báo. Trong nhiều năm qua, anh liên tục thử nghiệm mô hình của mình và đã đúng đến 18 lần trong số 100 dự đoán. Đây là một tỷ lệ đáng chú ý trong bối cảnh động đất vẫn bị coi là hiện tượng khó đoán định.

Giới khoa học nói gì về dự báo này?

Trước thông tin về khả năng dự báo động đất, nhiều chuyên gia địa chấn đã lên tiếng. Tiến sĩ Srinagesh, nhà khoa học cấp cao tại Ấn Độ, cho rằng phương pháp của Sitaram có thể đáng xem xét, nhưng chưa đủ để kết luận rằng đây là một mô hình dự báo động đất thực sự hiệu quả.

Toà nhà sụp đổ do trận động đất ở Mandalay, Myanmar.
Toà nhà sụp đổ do trận động đất ở Mandalay, Myanmar.

Ông cũng nhấn mạnh rằng đứt gãy Sagaing nơi trận động đất vừa xảy ra vốn là một khu vực có nguy cơ địa chấn cao. Trước đó, đã có ít nhất 9 trận động đất lớn xảy ra tại đây, trong đó có đến 7 trận vượt ngưỡng 7 độ richter. Vì vậy, dù dự báo của Sitaram đáng chú ý, nhưng không thể loại trừ yếu tố ngẫu nhiên.

Dẫu vậy, cộng đồng nghiên cứu vẫn đang theo dõi sát sao phương pháp của Sitaram. Anh tiếp tục đưa ra dự báo rằng trong vài tháng tới, một trận động đất mạnh hơn 7 độ richter có thể xảy ra tại Dharamshala (Ấn Độ). Nếu dự báo này một lần nữa trở thành hiện thực, đây có thể là bước ngoặt trong nghiên cứu địa chấn một lĩnh vực vẫn còn nhiều bí ẩn đối với nhân loại.