Làng chiếu Định Yên với hơn hai thế kỷ tuổi đời được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2013. Nằm cạnh dòng sông Hậu hiền hòa, làng nghề hiện có khoảng 10 cơ sở sản xuất lớn và hơn 800 hộ gia đình tham gia các công đoạn nhuộm, dệt chiếu thủ công. Những ngày này, từ sân nhà đến đường làng, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh những bó lát rực rỡ sắc màu, chuẩn bị cho mùa chiếu Tết.
Bà Nguyễn Kim Vân, một người thợ gắn bó với nghề hơn 30 năm, chia sẻ: “Mùa Tết bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, gia đình phải thức khuya dậy sớm để kịp cung ứng chiếu cho thương lái. Thợ dệt chiếu mỗi ngày kiếm được khoảng 150.000 đồng.” Bà nhấn mạnh, dù công việc vất vả nhưng không khí làng nghề những ngày này luôn rộn ràng.
Tấm chiếu Định Yên nổi bật bởi bốn gam màu chính: đỏ, xanh, vàng, và trắng ngà tự nhiên của sợi lát. Sự kết hợp này tạo nên những sản phẩm không chỉ bền bỉ mà còn mang tính thẩm mỹ cao, phù hợp với nhu cầu đa dạng của thị trường.
Những năm gần đây, máy dệt chiếu đã được đưa vào sử dụng, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Ông Hùng, chủ cơ sở Thanh Hùng, cho biết: “Ngày thường, cơ sở chỉ sản xuất từ 1.000 – 2.000 chiếc chiếu, nhưng dịp Tết số lượng tăng gấp 2-3 lần.” Với máy dệt, mỗi ngày, nghệ nhân có thể hoàn thành 10 chiếc chiếu, trong khi phương pháp thủ công cần hai người mới dệt được 3-4 chiếc.
Dù máy móc hiện đại đã hỗ trợ rất nhiều, người thợ vẫn phải theo dõi tỉ mỉ từng công đoạn từ nhuộm sợi, dệt hoa văn đến hoàn thiện chiếu. Những đôi bàn tay khéo léo chà mịn từng sợi lát, may bìa chiếu và kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo thành phẩm đạt chuẩn.
Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, chiếu Định Yên còn được xuất khẩu sang Campuchia. Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc cạnh tranh với các thị trường quốc tế ngày càng khốc liệt, đòi hỏi làng nghề cần nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng quảng bá thương hiệu.
Bên cạnh đó nhằm quảng bá làng nghề, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức “chợ chiếu ma” định kỳ hàng tháng. Đây là hoạt động tái hiện không gian bán chiếu buổi đêm của hàng chục năm trước, kết hợp với các chương trình biểu diễn thực cảnh và chợ quà quê, thu hút đông đảo khách tham quan.
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Làng chiếu Định Yên là một trong bốn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh. Chúng tôi đang đẩy mạnh xúc tiến du lịch và kết nối các tour tuyến để thu hút khách đến với làng nghề, đồng thời nâng cao nguồn nhân lực để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.”
Làng chiếu Định Yên không chỉ là nơi gìn giữ tinh hoa văn hóa mà còn là nguồn cảm hứng cho những ai yêu thích sự mộc mạc, chân phương. Những tấm chiếu rực rỡ sắc màu nơi đây không chỉ là sản phẩm của bàn tay người thợ mà còn là di sản văn hóa đầy tự hào của đất Đồng Tháp.