Chỉnh sửa gene và bài toán miễn dịch
Trong ca phẫu thuật kéo dài hơn 10 giờ tại Bệnh viện Xijing (Tây An, Trung Quốc) các bác sĩ đã cấy ghép thành công lá gan từ một cá thể lợn Bama thu nhỏ vào bệnh nhân chết não. Đây là kết quả của hàng thập kỷ nghiên cứu về chỉnh sửa gene nhằm giúp nội tạng động vật có thể thích nghi với cơ thể con người.

Một trong những thách thức lớn nhất trong cấy ghép dị loại (xenotransplantation) là phản ứng đào thải miễn dịch. Để khắc phục điều này, nhóm nghiên cứu đã thực hiện sáu chỉnh sửa gene trên gan lợn: loại bỏ những gene tạo đường trên bề mặt tế bào nguyên nhân chính gây phản ứng miễn dịch, đồng thời thêm vào các gene sản xuất protein tương thích với con người.
Kết quả cho thấy lá gan không chỉ tồn tại mà còn hoạt động hiệu quả, sản xuất mật và albumin hai chỉ số quan trọng của chức năng gan. Điều này chứng minh rằng gan lợn có thể đảm nhiệm vai trò của gan người, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định.
Tiềm năng ứng dụng trong điều trị suy gan
Theo giáo sư Muhammad Mohiuddin (Đại học Maryland), dù chưa thể thay thế hoàn toàn gan người, nhưng gan lợn có thể đóng vai trò như một giải pháp tạm thời giúp duy trì sự sống cho bệnh nhân suy gan cấp tính trong khi chờ đợi ghép tạng từ người hiến.
Các bác sĩ đã áp dụng phương pháp nối gan vào động mạch chính từ chân lên tim, giúp giảm nguy cơ biến chứng và dễ dàng tháo bỏ khi cần thiết. Đây là một bước tiến lớn, bởi trong các ca ghép nội tạng động vật trước đây, việc kiểm soát phản ứng miễn dịch luôn là một thách thức.

Thành công của ca ghép gan này nằm trong chuỗi thử nghiệm cấy ghép nội tạng động vật vào người, cùng với các ca ghép tim và thận trước đó. Dù vẫn còn nhiều rào cản kỹ thuật và đạo đức, kết quả ban đầu này đã mở ra hy vọng mới trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt nội tạng trên toàn cầu.