Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện trên cả nước ghi nhận nhiều ca mắc sởi ở người lớn, trong đó có những trường hợp tiến triển nặng dẫn đến tử vong. Diễn biến phức tạp của bệnh buộc Bộ Y tế phải ra khuyến cáo khẩn, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tiêm chủng và các biện pháp phòng ngừa. Trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ lan rộng, không ai có thể xem nhẹ căn bệnh tưởng như chỉ của tuổi thơ này.
Trước đây, sởi thường được xem là bệnh phổ biến ở trẻ em. Thế nhưng thời gian gần đây, các cơ sở y tế liên tiếp tiếp nhận các ca bệnh sởi ở người trưởng thành một điều hiếm thấy trong nhiều năm qua. Đáng chú ý, Hà Nội mới đây đã ghi nhận một ca tử vong do sởi ở người lớn, khiến dư luận không khỏi lo ngại.

Bệnh sởi vốn là một bệnh truyền nhiễm có mức độ lây lan cực nhanh, đặc biệt qua đường hô hấp. Dù không phân biệt độ tuổi, nhiều người trưởng thành vẫn nghĩ mình đã “qua thời dễ mắc bệnh”. Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ miễn dịch suy giảm và lịch sử tiêm chủng không rõ ràng, nguy cơ vẫn luôn rình rập thậm chí dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, loét giác mạc hoặc tiêu chảy kéo dài.
Người lớn cũng không ngoại lệ
Bộ Y tế cho biết, những người trưởng thành mắc các bệnh nền như tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, cao huyết áp hoặc trên 50 tuổi nằm trong nhóm nguy cơ cao và cần đặc biệt chú ý. Cục Phòng chống bệnh truyền nhiễm khuyến cáo nhóm này nên chủ động tiêm vaccine phòng sởi, đặc biệt là mũi nhắc lại nếu chưa rõ lịch sử tiêm chủng trước đó.

Đáng lo ngại hơn, nhiều trường hợp đến bệnh viện khi bệnh đã bước vào giai đoạn biến chứng. Theo các bác sĩ, các triệu chứng ban đầu như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban có thể bị nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời giữ vai trò sống còn trong những ca nghi mắc sởi.
Phòng bệnh chưa bao giờ là việc của riêng trẻ nhỏ
Không chỉ dừng lại ở lời khuyên, Bộ Y tế nhấn mạnh rằng, phòng bệnh là chìa khóa quan trọng để tránh phải điều trị muộn. Trong đó, vaccine sởi nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng là biện pháp được khuyến nghị hàng đầu.
Trẻ em được tiêm mũi đầu tiên từ 9 tháng tuổi và nhắc lại vào lúc 18–24 tháng. Nhưng đối với người lớn, đặc biệt trong giai đoạn miễn dịch yếu, vaccine phối hợp MMR (sởi – quai bị – rubella) là điều cần thiết nếu chưa từng tiêm hoặc không còn nhớ lịch sử tiêm chủng.
Ngoài ra, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và tăng cường dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế lây nhiễm.