Soda ăn kiêng thường được quảng cáo như một lựa chọn thay thế lành mạnh hơn cho soda thông thường, nhờ sử dụng các chất làm ngọt nhân tạo như aspartame, sucralose hay stevia. Những chất này mang lại vị ngọt mà không làm tăng calo hay đường trong cơ thể. Tuy nhiên, đằng sau lớp vỏ “ít calo,” thức uống này không cung cấp bất kỳ dưỡng chất nào.
Mặc dù không chứa đường, soda ăn kiêng vẫn có thể làm mòn men răng do tính axit trong thành phần. Một số loại còn chứa phẩm màu, gây ố vàng hoặc xỉn màu răng khi uống thường xuyên. Nếu muốn bảo vệ nụ cười trắng sáng, bạn nên hạn chế sử dụng và vệ sinh răng miệng đúng cách.
Đối với những người thừa cân hoặc béo phì, thay soda thông thường bằng soda ăn kiêng có thể giúp cắt giảm khoảng 150 calo mỗi ngày. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc giảm calo từ đồ uống có đường giúp cải thiện BMI và giảm mỡ gan. Tuy nhiên, giảm cân chỉ hiệu quả khi soda ăn kiêng được kết hợp với chế độ ăn uống và vận động khoa học.
Bên cạnh đó dù không chứa đường, soda ăn kiêng vẫn có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nguyên nhân có thể đến từ ảnh hưởng của chất làm ngọt nhân tạo lên chức năng insulin, làm suy giảm khả năng chuyển hóa glucose trong cơ thể. Để bảo vệ sức khỏe tim mạch, hãy sử dụng đồ uống này một cách có kiểm soát.
Một lon soda ăn kiêng có thể chứa caffeine, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, đặc biệt nếu bạn uống vào buổi tối. Đối với người nhạy cảm với caffeine, điều này có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ kéo dài, làm giảm chất lượng sống.
Axit photphoric trong soda ăn kiêng có thể làm giảm mật độ xương nếu tiêu thụ quá mức. Đặc biệt, việc uống quá nhiều có thể gây mất cân bằng tỷ lệ canxi và phốt pho, dẫn đến xương yếu và dễ gãy. Nếu bạn quan tâm đến sức khỏe xương, hãy ưu tiên bổ sung thực phẩm giàu canxi và hạn chế soda.
Soda ăn kiêng không hoàn toàn vô hại. Hãy tiêu thụ một cách thông minh, kết hợp chế độ ăn lành mạnh để bảo vệ sức khỏe toàn diện.