Ngày 12/4, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chính thức công bố thành công trong việc cấy ghép thiết bị Heart Mate3 một dạng tim nhân tạo hỗ trợ thất trái (LVAD) thế hệ mới nhất hiện nay, dành cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối.
Người đầu tiên được cấy ghép là bệnh nhân H.T.X., 46 tuổi, quê ở Thanh Hóa. Bà X. mắc bệnh cơ tim giãn nặng, chỉ số EF (phân suất tống máu) còn vỏn vẹn 19%, kèm các biến chứng nguy hiểm như tắc động mạch dưới đòn và nhồi máu não cũ.
Trong nhiều năm, bà được điều trị bằng thuốc tối ưu nhưng tình trạng vẫn xấu đi. Những cơn khó thở cấp tính, tràn dịch màng phổi nhiều khiến việc nhập viện trở thành điều thường xuyên và chiếc đồng hồ sinh học tưởng như đang cạn kiệt dần.

Sau nhiều lần hội chẩn trong nước và quốc tế, giải pháp khả thi nhất là cấy ghép LVAD – Left Ventricular Assist Device thế hệ thứ ba. Đây là một thiết bị bơm máu hỗ trợ chức năng tâm thất trái, giúp duy trì tuần hoàn cho bệnh nhân đang suy tim giai đoạn cuối khi trái tim thật không còn đủ sức thực hiện nhiệm vụ sống còn.
Khác với những phiên bản cũ, Heart Mate3 sử dụng công nghệ bơm ly tâm, giúp tối ưu dòng máu, giảm thiểu biến chứng như huyết khối hay tan máu. Dù có dây nối với pin bên ngoài, nhưng thiết kế này đã chứng minh khả năng kéo dài tuổi thọ và cải thiện đáng kể chất lượng sống của bệnh nhân.
Ca phẫu thuật kéo dài trong 4 giờ được thực hiện bởi các bác sĩ tại Bệnh viện 108, dưới sự hướng dẫn chuyên môn trực tiếp của Giáo sư Jan D. Schmitto – Chủ tịch Hội Tuần hoàn cơ học châu Âu, người đã tiên phong thực hiện ca cấy ghép thành công Heart Mate3 đầu tiên trên thế giới vào năm 2014.

Sau 2 tuần hậu phẫu, bệnh nhân đã có thể đi lại, tự chăm sóc bản thân, và chuẩn bị cho giai đoạn xuất viện cùng lộ trình chăm sóc đặc biệt. Không chỉ sống, bà X. bắt đầu sống lại theo đúng nghĩa của một cuộc hồi sinh.
Theo Tiến sĩ Đặng Việt Đức – Phó viện trưởng Viện Tim mạch, thiết bị Heart Mate3 hiện là phương pháp tốt nhất trong điều trị suy tim nặng. Khả năng hỗ trợ tâm thất trái giúp cải thiện lưu lượng máu, phục hồi chức năng sống cho các cơ quan nội tạng và trao cho người bệnh cơ hội sống bình thường điều mà thuốc men hay phương pháp điều trị truyền thống khó lòng làm được trong giai đoạn cuối.
Khi nguồn tạng hiến luôn là bài toán nan giải, thì việc ứng dụng tim nhân tạo không còn là giấc mơ viển vông. Nó chính là phương án khả thi có thật, hiệu quả, và giờ đây đã hiện diện ngay tại Việt Nam.