Sức khoẻ toàn diện

Việt Nam sắp có vaccine phòng ngừa bệnh tay chân miệng

MCS- Việt Nam sắp có vaccine tay chân miệng khi Hệ thống tiêm chủng VNVC chính thức ký kết hợp tác với Substipharm Biologics (Thụy Sĩ). Đây là tin vui cho các bậc phụ huynh, mở ra cơ hội bảo vệ trẻ nhỏ trước căn bệnh nguy hiểm này.

Ngày 18/2, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty dược phẩm Substipharm Biologics (Thụy Sĩ) nhằm sớm đưa vaccine tay chân miệng vào thị trường Việt Nam.

Theo ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc VNVC, sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo nguồn vaccine phòng bệnh tay chân miệng có nguồn cung ứng đầy đủ và chất lượng an toàn cho trẻ em.

Phía Substipharm Biologics, ông Hervé Profit, Giám đốc Cấp cao, cho biết công ty này sẽ nỗ lực hợp tác chặt chẽ với VNVC để không chỉ mang vaccine tay chân miệng mà còn nhiều loại vaccine quan trọng khác đến Việt Nam trong tương lai.

Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực y tế và nâng cao nhận thức cộng đồng về các biện pháp phòng chống bệnh tật.

Hệ thống tiêm chủng VNVC vừa ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Công ty dược phẩm Substipharm Biologics (Thụy Sĩ).
Hệ thống tiêm chủng VNVC vừa ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Công ty dược phẩm Substipharm Biologics (Thụy Sĩ).

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa VNVC, vaccine tay chân miệng này được khuyến nghị sử dụng cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi. Hiệu quả bảo vệ của vaccine lên đến 97%, giúp phòng chống chủng virus EV71, nguyên nhân chính gây ra các ca bệnh nặng.

Trước đó, vaccine đã trải qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam từ năm 2019 và được nghiên cứu tại Đài Loan từ năm 2010. Hiện vaccine đang chờ Bộ Y tế cấp phép lưu hành và nếu được thông qua, đây sẽ là vaccine tay chân miệng đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là dưới 5 tuổi, với hai chủng virus chính là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Trong đó, EV71 có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim và suy hô hấp.

Theo thống kê, năm 2023, Việt Nam ghi nhận hơn 180.000 ca tay chân miệng, tăng gần 2,7 lần so với năm 2022, với 31 ca tử vong. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường bùng phát mạnh vào tháng 3-4 và từ tháng 9 đến cuối năm.

Hiện tại, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng và hỗ trợ hồi phục. Vì vậy, sự xuất hiện của vaccine sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh cũng như nguy cơ biến chứng nguy hiểm.