Trong dịp cuối năm, các buổi tiệc tùng tất niên, gặp gỡ bạn bè là điều không thể thiếu. Những chén rượu mừng năm mới thường kéo theo câu chuyện giải rượu. Một trong những quan niệm phổ biến là chạy bộ hoặc tập thể dục sau khi uống rượu sẽ giúp cơ thể tỉnh táo nhanh hơn.
Anh Nguyễn Hoàng Lâm (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường đi chạy bộ buổi sáng sau khi uống rượu vào tối hôm trước để cảm thấy khỏe khoắn hơn. Nghe mọi người nói mồ hôi sẽ giúp thải bớt cồn ra khỏi cơ thể”.
Tuy nhiên, theo Ths.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, quan niệm này hoàn toàn sai lầm và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Ông cho biết: “Khi vừa uống rượu, cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, tim đập nhanh và mất nước. Nếu vận động mạnh ngay lúc này, mạch máu sẽ co giãn bất thường, dẫn đến nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc xuất huyết não”.
Theo các chuyên gia, sau khi uống rượu bia, cơ thể cần thời gian để tự thải loại cồn ra ngoài. Việc chạy bộ hoặc tập thể dục sẽ không giúp giảm nồng độ cồn trong máu mà còn khiến cơ thể kiệt sức hơn do mất nước và rối loạn điện giải.
Thay vào đó, bác sĩ Mạnh khuyên người uống rượu nên nghỉ ngơi, bổ sung nước lọc, nước trái cây hoặc các loại nước điện giải. “Uống đủ nước giúp gan hoạt động hiệu quả hơn trong việc lọc bỏ cồn. Ngoài ra, ngủ đủ giấc là cách tốt nhất để cơ thể phục hồi”, ông nói.
Đặc biệt, người có bệnh nền như tăng huyết áp, tim mạch hoặc từng đột quỵ cần tránh vận động mạnh sau khi uống rượu. Thay vì áp dụng những mẹo giải rượu truyền miệng, hãy tìm hiểu kỹ các biện pháp khoa học và an toàn hơn.